Con đường hẻm nhỏ xíu dẫn vào căn nhà trọ cũng nhỏ xíu. Cũng may là nó được ở với mẹ nó, nhà có bàn tay của người phụ nữ nên lúc nào cũng gọn gàng! Căn phòng dù chỉ đủ cho 2 người ở nhưng mẹ nó khéo sắp xếp nên vẫn có một gian bếp trông khá rộng. Tôi đến thì mâm cơm đã được dọn sẵn, chỉ chờ món cuối cùng. vẫn với những món ăn thường ngày tôi và nó hay ăn: thịt kho, rau sống… Đến khi mẹ nó bưng ra một tô canh đang bốc khói thì tôi mới hết tò mò: thì ra canh sấu là đây.
Nó bảo: “Canh sấu đấy, đã được ăn chưa?”. Đúng là tôi chưa ăn thật, tôi vốn ít ăn món Bắc mà. Nhìn tô canh, tôi nghi ngại, canh gì mà trong vắt thế này, chắc chỉ có mấy miếng thịt sườn là ngon thôi! Sau khi ăn gần hết chén cơm tôi “liều mình” nếm thẻ món canh sấu. Lạ thật, là canh chua, đúng món tôi thích. Nước canh trong vắt nhưng lại đậm đà, vị chua thì dịu nhẹ, lại thơm nức mùi thịt. Từ chỗ ngần ngại, tôi bỗng đâm hối hận không nếm thử món sấu này sớm hơn, thật là phí cho cái miệng hay ăn của tôi quá. Thấy tôi ăn nhiều nó đùa: “Coi chừng ghiền đấy nhé!”.
Thấy tôi thích món này nên khi ăn xong, nó tranh thủ “tiếp thị” với tôi món đặc sản Hà Thành này. Nghe nó nói tôi mới biết trái sấu chỉ Hà Nội mới có. Sấu còn là một hình ảnh đặc trưng cho mùa hè của thủ đô. “Người Hà Nội có rất nhiều cách biến tấu với trái sấu, đơn giản nhất là nước canh rau muống giầm sấu xanh. Nhưng ấn tượng nhất đến nỗi phải “tương tư” là món canh sấu sườn non. Cách nấu cũng đơn giản lắm. Thịt ướp gia vị cho thấm, cho nước vào đun sôi rồi vớt sạch bọt. Ướm đến khi thịt chín mềm thì gọt sấu, khía thành từng khoanh, giằm lấy nước chua trút vào nồi canh. Nếu để ý cậu sẽ thấy, người Hà Nội không bao giờ cho cả quả sấu vào nồi nước canh, bởi lẽ hạt sấu sẽ làm nước canh không trong mà vẩn đục, nhìn mất ngon. Khi nấu canh, hành không cho ngay mà đợi đến khi bắt đầu ăn mới thả vào bát. Điều này rất dễ hiểu bởi lẽ, chất chua trong canh sẽ làm hành đổi màu vàng, thiếu hấp dẫn”. Nghe nó “thuyết giảng” về món canh sấu tôi lại phát thèm, chắc phải qua nhà nó thường xuyên mới được.
Gia vị làm chua trong Nam có rất nhiều: từ trái me, lá me, lá giang, xoài xanh, trái bứa, chanh, cho đến giấm… Mỗi thứ đều mang hương vị và độ chua khác nhau, nhưng cũng chỉ là gia vị. Nó bảo ngoài Bắc cũng có lắm loại: quéo, muỗm, thanh trà, tai chua, dọc… Thế nhưng trái sấu luôn được ưu tiên hàng đầu. Trái sấu trong ký ức của những người đất Bắc xa quê như bạn tôi không đơn thuần là một loại gia vị, mà còn là một đặc sản, một hình ảnh thiêng liêng khó tách rời trong mỗi con người nơi đây.
Hình như nó đang nhớ trái sấu ở quê dữ lắm nên nói đầy vẻ triết lý. “Bát canh sấu” Hà Thành mang hương vị rất riêng. Đằng sau vị chát thoáng qua của lớp vỏ sấu mỏng như lụa là vị chua nhẹ không đủ làm nhíu mày, nhăn mặt nhưng lại khiến cái khát do nắng nóng dịu di. Vị ngọt của thịt hòa cùng vị chua nhẹ của sấu làm bát canh thêm ngon miệng, không hề có sự ngán ngấy của thịt như ở những món khác”.
Tôi nhận ra ở nó một nỗi nhớ rất riêng của người Hà Thành.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét