Kể từ ngày rời quê lên thành phố, điều khiến tôi nhớ nhất là những buổi trưa trốn ngủ, đi dọc bờ kinh tìm bứt trâm, ra rẫy kiếm chùm bao hay lên đồi hái sim
Khốn khổ thay đã trốn ngủ lại còn cứ sim, mua với trâm, trái nào ăn vào nhìn răng lưỡi cũng đen thùi lùi nên bị đòn thì cũng chẳng chối cãi gì được.
Khốn khổ thay đã trốn ngủ lại còn cứ sim, mua với trâm, trái nào ăn vào nhìn răng lưỡi cũng đen thùi lùi nên bị đòn thì cũng chẳng chối cãi gì được.
Sau nhà tôi, bên chuồng heo có một cây trâm. Đến mùa, cây nở những chùm bông hồng hồng rồi kết thành từng chùm trái chín tím ngăn ngắt. Cây không cao lắm nên leo lên thành chuồng thò tay ra là hái được ngay. Trâm cũng có loại nhé, có cây ngọt, có cây chát chết thôi nhưng bọn con nít hình như có gì ăn là thích lắm rồi. Tốn kém nhất chính là muối ớt. Cứ giã một chén muối, đi rảo rảo ngoài vườn thế nào cũng có thứ mà ăn. Mận ổi cóc xoài khế là bình thường rồi, vì sau này lên thành phố cũng có. Nỗi nhớ phải là những thứ như bồ quân, trâm, sim, ô môi, bình bát hay hàng chục thứ trái dại mọc đầy vườn rẫy dưới quê.
Hồi cấp 2, có lần trước cổng trường tôi có một bà cụ già nhà quê lên bán trái trâm. Bà trải một tấm ni lon ra đổ trâm vào rồi đong bán bằng chén. Đúng kiểu dưới quê là lấy lá chuối gấp vào hình cái loa đựng trâm, muối ớt đổ ào lên trên. Ui chao, tôi thấy sướng gì đâu, thiếu mỗi cái thúng, chắc là do bà đi xa không đem thúng lên được. Bà còn quàng một cái khăn rằn, giống bà ngoại tôi dưới quê kinh khủng.
Một lần, đi dọc lên Bình Phước, tôi có gặp một thứ trái rất lạ, mọc dại, màu đỏ tươi đẹp như chiếc lồng đèn, ăn vào có vị chua chua. Người dân gần đó gọi là trái chua, thường dùng nấu canh như bần, me. Thân cây cằn cằn, vươn lên như cây rau đay già, cũng hơi nhơn nhớt như thế. Trẻ con hái trái, bẻ ra từng cánh của chiếc lồng đèn ăn chơi. Thấy cũng hay, món canh chua vùng miền nào cũng có và thường được nấu bằng chính những thứ gia vị chua kiếm được quanh nhà.
Sau này lớn lên, nghe bài hát “những đồi hoa sim” da diết, tôi biết nhiều “dân thành phố” ngẩn tò te chẳng biết là thứ gì. Hoa sim trông giống hoa mai nhưng cánh dày hơn, màu hồng đậm hoặc nhạt, đẹp hoàn hảo. Còn một loại gọi là sim dại, có nơi gọi là hoa mua. Loại này nhìn riêng lẻ cũng bình thường thôi, tím hồng, có nhụy, cánh mỏng manh. Nhưng nếu nhìn chúng nở tràn ngập từng vạt đồi thì đẹp lắm! Đối với bọn tôi ngày ấy, đẹp cũng chẳng làm gì vì không hái đem chơi trò cô dâu chú rể được, đụng vô là rớt cánh ngay, có điều sim chín ăn ngon. Trái sim nhỏ bằng đầu ngón tay, hơi có lông tơ, thịt sim chín mềm màu tím ngắt, ngọt lịm. Sim ăn ngon, ngọt thế nên ăn nhiều không ai để ý, nhiều khi về nhà cào ruột cũng đành chịu thôi. Đến mùa sim, bọn tôi ra đồi cặm cụi hái sim ăn, ăn xong miệng mồm cũng đen, thua trâm một tí nhưng có điều màu đen của sim mau hết hơn trâm. Nếu là tôi, tôi thà viết bài hát “những đồi trái sim” hơn là những đồi hoa sim. Hồi đó, đi Phú Quốc, nghe nói có rượu sim, uống vô thấy cũng ngon ngọt, thơm vị trái cây, không biết là có phải thứ sim mọc hoang ở quê tôi ngày ấy hay không?
Còn một thứ trái tôi không bao giờ dám ăn thử là trái chùm bao, thứ trái tròn tròn, xanh xanh được bao bọc bằng một túi lưới mềm, cái khiến tôi sợ chính là cái túi ấy. Thấy mấy đứa bạn hái ăn, còn mẹ tôi hái đọt cây nấu canh tôm thịt chữa bá bệnh, riêng tôi thì sợ chết khiếp. Trí tưởng tượng của tôi nhìn cái túi ấy cứ thấy thành những con sâu đầy lông lá. Quê tôi có người còn gọi chùm bao là cây lạc tiên hay nhãn lồng. Sau này lớn, đôi khi tôi lại bâng khuâng nghĩ đến câu “chim quyên ăn trái nhãn lồng...” mà lòng tiếc hùi hụi sao ngày xưa mình không thử, biết đâu rồi cũng lại ghiền nhãn lồng như chim quyên.
Một loại trái mà tôi thương nhớ vô cùng lúc lên thành phố là chùm bóp. Nhiều người hay nhầm chùm bóp với chùm bao, nhưng nếu gọi cây lồng đèn hay thù lù thì hầu như ai từng sống ở quê cũng biết. Cây này mọc nhiều ở mấy rẫy mía hay rẫy bắp, đến mùa cứ vác chiếc nón lá đi một vòng là đầy nón, quả nhỏ thì bằng đầu ngón tay út, quả to cũng cỡ quả cà chua bi, nhìn cũng không khác gì cà bi nhưng có một lớp vỏ bao quanh như lồng đèn. Chùm bao xanh thì hơi đắng, nhưng chín hườm thì chua chua ngọt ngọt, và chín muồi thì ngọt không thể tả. Vị ngọt của nó rất có duyên vì vẫn có chút vị chua kín đáo làm nền, không phải kiểu ngọt trờn trợt của gooseberry mà sau này tôi có dịp ăn khi đi Hồng Kông, tuy rằng hai trái giống nhau y đúc. Bây giờ chùm bóp không còn mấy do bị xem là một loại cỏ dại, nên trước mùa tỉa bắp người ta đã nhổ hết cỏ, nhổ cả chùm bóp, trong khi tôi ở thành phố tìm mướt mắt không ra một cây.
Hầu hết các loại trái ngon khoái khẩu của tôi thời thơ ấu đều là trái dại, nào sim nào trâm, chùm bao chùm bóp. Nên với đà phát triển công nghiệp như hiện nay thì có về quê cũng mỏi mòn đi tìm, bờ kinh, ruộng rẫy đều không còn cây dại. Bảo sao nỗi nhớ của tôi cứ còn hoài, nhìn trái cây nước ngoài đóng hộp đẹp đẽ bán trong siêu thị, lại nhớ trái dại quê mình, đẹp, ngon mà chịu tuyệt diệt dần theo thời gian.
>> Xa quê nhớ món rau đồng
>> Xa quê nhớ món rau đồng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét