Người mới phẫu thuật nên ăn uống thế nào là tốt?

Trong thực tế điều trị, đã có nhiều người bệnh tuy vượt qua được cơn phẫu thuật nguy hiểm nhưng vài ngày sau lại tử vong, do không được chăm sóc sức khoẻ đúng cách và đã áp dụng chế độ dinh dưỡng không hợp lý, dẫn đến những biến chứng cho vết mổ.

Khi trải qua một cuộc phẫu thuật, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ tạo ra một kích ứng (stress) về chuyển hoá. Khi đó, cơ thể sẽ hồi đáp lại bằng một số biểu hiện như: tăng năng lượng chuyển hoá, tăng phân huỷ chất đạm ở bắp thịt…

Những phản ứng này cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nếu không sẽ suy dinh dưỡng và kéo theo giảm khối lượng các tế bào có ích và các chất hoá học trong cơ thể giúp lành vết thương. Hệ luỵ là người bệnh có thể sẽ gặp một số biến chứng như vết mổ lâu lành, nhiễm trùng, bung vết mổ…
Ngoài ra, dinh dưỡng không hợp lý trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật còn có thể làm cơ thể gầy yếu do mất dần bắp thịt (khối cơ), rối loạn các chất và nội tiết tố, làm ảnh hưởng đến hoạt động của đường tiêu hoá, hô hấp… thậm chí có thể gây suy kiệt, tử vong.
Người mới phẫu thuật nên ăn uống thế nào là tốt?
Bồi bổ cả trước và sau mổ

Không như quan niệm của nhiều người bệnh, chỉ tập trung bồi bổ sau khi đã mổ xong, quá trình hồi phục của bệnh nhân phẫu thuật phụ thuộc cả vào trước, trong và sau khi phẫu thuật. Do vậy việc hỗ trợ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cũng cần diễn ra song hành với quá trình này.

Trước phẫu thuật: dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp làm giảm nhiễm trùng, gia tăng khả năng lành vết thương, hạn chế sụt cân và cải thiện chức năng ruột.

Tuỳ tình trạng bệnh lý để xây dựng thực đơn cho phù hợp, miễn sao đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, thành phần các chất phải hợp lý, nên ăn thức ăn thông thường, có thể bổ sung thêm sữa. Nên phối hợp đa dạng thực phẩm, phù hợp với tình trạng bệnh và chỉ định điều trị nhằm giúp cơ thể hấp thu được tốt các chất.

Trường hợp bệnh nặng, mắc các bệnh lý gây khó khăn trong ăn uống bình thường thì việc hỗ trợ dinh dưỡng cần được tiến hành sớm như nuôi ăn bằng ống thông, hoặc nuôi ăn tĩnh mạch.

Sau phẫu thuật: bồi bổ đúng cách sẽ giúp giảm được dị hoá chất đạm (tránh teo cơ, mau hồi phục vết thương), kiểm soát được nhiễm trùng sau mổ, giảm kích ứng sau phẫu thuật, tăng sức đề kháng cơ thể. Muốn vậy, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng (lưu ý thêm phần năng lượng bù đắp cho cơ thể do phẫu thuật và quá trình hồi phục sau phẫu thuật tạo nên).

Chia nhỏ bữa ăn trong những ngày đầu sau phẫu thuật để giúp cơ thể dung nạp được. Tuỳ theo loại phẫu thuật, nếu không có chống chỉ định thì khuyến khích ăn qua đường tiêu hoá sớm vì sẽ giúp duy trì chức năng và cấu trúc ruột, hạn chế nhiễm trùng.

Tuỳ phẫu thuật, cách ăn riêng

Để có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh sau phẫu thuật, phải tuỳ theo độ tuổi, mức độ bệnh lý, phương pháp phẫu thuật, tình trạng dinh dưỡng trước phẫu thuật, cũng như quá trình điều trị đi kèm (điều dưỡng, thuốc, vật lý trị liệu, tâm lý…)

Ngoài ra cần chọn phương pháp nuôi ăn phù hợp với loại phẫu thuật và thời gian sau phẫu thuật. Ăn bằng đường miệng phù hợp với các phẫu thuật bên ngoài đường tiêu hoá.

Nuôi ăn qua ống sonde và qua đường truyền tĩnh mạch thường áp dụng cho đại phẫu vùng cổ (ung thư hầu, họng…), đại phẫu vùng ngực, bụng (thực quản, dạ dày, tá tuỵ…) và sau phẫu thuật do chấn thương nặng. Để người bệnh dễ hấp thu, nên chia nhỏ bữa ăn, từ 6 – 8 bữa hoặc 4 – 6 bữa, theo từng giai đoạn.

Khi đã ăn được bằng đường tiêu hoá, cần chọn thức ăn bình thường hoặc dung dịch nuôi ăn chuẩn hoặc sữa chuẩn. Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng trong quá trình làm lành vết thương nhanh. Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Nhằm đánh giá tác động của chế độ dinh dưỡng trong quá trình phẫu thuật, để xem có phải thay đổi ăn uống gì không, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ và ghi nhận các thông tin như khả năng dung nạp với bữa ăn (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…), cân nặng; các dấu hiệu khác như vẻ mặt, sức cơ, mức độ lành vết mổ, lượng nước tiểu, tính chất phân… Ngoài ra cũng cần thực hiện ion đồ máu, kiểm tra đường huyết, lipit máu…

Theo SGTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Back to top