Ăn gì bảo vệ sức khỏe trong ngày mưa mùa hè

Những cơn mưa bất chợt mùa hè sẽ làm cho cơ thể bạn dễ dàng bị dị ứng hay nhiễm vi khuẩn. Ăn gì để bảo vệ sức khỏe của bạn trong những ngày mưa mùa hè? Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt ngăn ngừa bệnh tật và chống lại những bệnh tật...

Thời tiết đang từ nắng nóng bỗng chuyển qua mùa mưa; những cơn mưa đầu mùa làm ngập lụt đường phố và cũng là nguyên nhân các rắc rối sức khỏe cho những người “nắng không ưa, mưa không chịu”. Khi thời tiết thay đổi, con người dễ bị các bệnh dị ứng thời tiết kết hợp với nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng. Vậy, làm sao để bảo vệ sức khỏe phòng bệnh mỗi khi “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt”?

Tăng cường rau giàu chất chống lão hóa tế bào
Ăn gì bảo vệ sức khỏe trong ngày mưa mùa hè
Cà chua, kiwi, nho, táo, súp lơ… là những bạn đồng hành không thể thiếu được cho sức khỏe con người. Hiệu quả ấy có được nhờ các hợp chất polyphenol giúp tăng cường hệ miễn nhiễm của cơ thể. Nhiều công trình khoa học đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của những chất chống oxy hóa như beta caroten, vitamin C, vitamin E hay vi lượng tố selenium, kẽm… Ngoài ra, rau quả còn giúp phòng các bệnh của người cao tuổi như tim mạch, béo phì và đái tháo đường typ 2.Theo tài liệu đánh giá sức khỏe dinh dưỡng năm 1996 (Baromètre santé nutrition 1996) thì các loại rau quả sau thường được dùng để tăng cường sinh lực là táo (29.4%), quýt (22.1%), cam (12.1%), chuối (9.8%), lê (4%), kiwi (3.8%), salad (29.4%), cà chua (22.1%), cà rốt (12.1%), đậu haricots verts (9.8%), súp lơ (3.8%). Bên cạnh đó, trà cũng là nguồn cung cấp polyphenol, chất chống oxy hóa giúp làm sạch các gốc tự do phát sinh trong quá trình biến dưỡng của cơ thể.

Tăng cường nhóm Vitamin bảo vệ

Trong thực đơn hàng ngày, cần ăn thêm các loại rau quả giàu các sinh tố giúp bảo vệ cơ thể như:

- Nhóm vitamin C: bảo vệ mắt và tim

Những khám phá mới cho thấy với liều cao, vitamin C giúp bảo vệ thủy tinh thể, giảm tai biến đục thủy tinh thể. Ngoài ra, vitamin C còn giúp bảo vệ tim mạch, làm giảm cholesterol toàn thể, tăng cholesterol tốt (HDL). Người ta thấy cơn đau tim và viêm tĩnh mạch thường gặp khi lượng dự trữ vitamin C hạ thấp. Từ đó, nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ rằng các tai biến tim mạch nơi người cao tuổi sẽ giảm đi nếu sử dụng bổ sung nguồn vitamin C & E thiên nhiên so với người không dùng.
Vitamin C thường có rất nhiều trong nhóm cam quýt, su hào, ớt, dâu tây…

- Vitamin E: bảo vệ tim mạch và tăng cường hệ miễn nhiễm

Càng ăn nhiều những acid béo không no (acides gras poly-insaturés) trong cá, dầu thực vật thì vitamin E được bổ sung càng nhiều. Theo một nghiên cứu tại ĐH Harvard, liều vitamin E gấp 6 liều bình thường sẽ giúp máu lưu chuyển được dễ dàng và bảo vệ hệ tim mạch. Với liều 800-1200UI, vitamin E rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh sưng viêm như viêm cổ tay, cổ chân thường gặp khi giao mùa. Vì thế vitamin E có thể kết hợp với các thuốc kháng viêm giảm đau để giảm bớt liều thuốc kháng viêm. Vitamin E thiên nhiên có nhiều trong dầu thực vật và cũng còn hiện diện trong các loại rau quả tươi.

- Nhóm vitamin A:
Nhóm provitamin A tức tiền sinh tố A (bêta-caroten) sẽ chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể cũng có tác dụng chống oxy hóa, được cung cấp từ khoai lang, cà chua, cà rốt, bí ngô, xoài, dưa tây, quả mơ và các loại rau quả đậm màu cần cho da là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể chống sự xâm nhập của vi khuẩn.

- Nhóm vitamin B9 (muối folat) giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh tim mạch, tìm thấy trong gan, men bia, rau cresson, su hào, mầm lúa…
Tăng cường dưỡng chất bằng đa dạng hóa thực phẩm

Cải thiện chế độ ăn uống để gia tăng khả năng miễn nhiễm là cách phòng chống bệnh do thời tiết gây ra một cách tự nhiên. Có thể bắt đầu bằng cách thêm rau, hoa quả vào món đã ăn như thêm trái cây vào yaourt, vào kem flan… cắt nhỏ rau quả tươi hay nấu chín dấu vào trong những loại thức ăn thường ăn, uống nước luộc rau hoặc chế biến rau quả thành các món súp thích khẩu…
- Cá: Nguồn cung cấp sắt rất dễ được đồng hóa trong cơ thể. Sắt thường bị thiếu hụt trong dinh dưỡng của trẻ em, phụ nữ ăn kiêng hoặc những người ăn chay sẽ dẫn đến mệt mỏi, giảm sức đề kháng kể cả thiếu máu trong một vài trường hợp. Các loại cá béo chứa DHA (acid docohexanoic) và EPA (acid écosapentaenoic) hay còn gọi là omega-3 có tác dụng làm lỏng máu tạo nên tình trạng hoạt động tốt cho các mạch máu.

- Thịt bò: nguồn cung cấp kẽm giúp hình thành tế bào bạch cầu nên thiếu thịt bò sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nên dùng thịt nạc để tránh mỡ, ngoài ra hàu cũng là nguồn cung cấp kẽm cho cơ thể.

- Nấm: giúp sản xuất bạch cầu tấn công mãnh liệt hơn vi khuẩn lạ xâm nhập.
- Sữa chua: nguồn cung cấp vi khuẩn hữu ích cho việc tiêu hóa ở đường ruột. Với những người cần điều trị kháng sinh thì sữa chua là nguồn cung cấp các vi khuẩn có lợi cho sự tiêu hóa đã bị kháng sinh tiêu diệt.

- Mật ong: giúp tăng cường khả năng phòng bệnh nhờ tính chất chống oxy hóa, cải thiện tính dẻo dai của vận động viên khi luyện tập gắng sức, tính kháng khuẩn cao, tiêu diệt cả nấm bệnh lẫn nguyên sinh động vật nên giúp làm mau lành các vết thương nhiễm trùng.

(Theo TP&ĐS)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Back to top